Hoạt động vẽ tranh cùng bé

 Chúng ta đều biết rằng tất cả mọi trẻ em đều biết vẽ trước khi biết viết. Khi khả năng ngôn ngữ phát triển chưa hoàn thiện, hội họa là phương tiện để biểu đạt hiệu quả và lý thú nhất. Nét vẽ nguệch ngoạc, hồn nhiên hết sức bình dị nhưng rất cần thiết trong quá trình hình thành khả năng quan sát, cảm thụ cái đẹp và hình thành khả năng tư duy sáng tạo của trẻ.

Học vẽ giúp nâng cao khả năng quan sát và trí tưởng tượng

      Học vẽ khác với các môn khoa học khác, nếu như môn khoa học kết quả phải đúng cho dù có nhiều phương pháp để dẫn đến một kết quả đó, còn đối với việc vẽ tranh thì cùng một đề tài nhưng mỗi trẻ lại tạo ra những sản phẩm khác nhau, cách thể hiện khác nhau do mỗi trẻ đều có những quan sát, suy nghĩ, cảm xúc khác nhau. Nếu cùng một đề tài đó mà tranh vẽ giống nhau thì nó chỉ là sự dập khuôn, không còn sự sáng tạo.

      Đối với vẽ tranh màu sắc là một trong những yếu tố chủ đạo thu hút sự chú ý đầu tiên của trẻ. Do đó, vẽ tranh sẽ giúp trẻ sớm làm quen với màu sắc là một cách hiệu quả để tăng khả năng quan sát ở trẻ.

Tạo hứng thú cho trẻ

      Tư duy của trẻ còn nặng về trực quan hình ảnh, cho nên trong quá trình trẻ vẽ nên lựa chọn cho trẻ các giáo cụ trực quan có hình ảnh sinh động, nhiều màu sắc sẽ thu hút được sự chú ý đối với trẻ hơn là những hình ảnh tối màu, xấu. Tạo yếu tố bất ngờ trong hoạt động vẽ để trẻ khám phá đối tượng và tìm ra đặc điểm, tính chất của đối tượng đó qua các giác quan, đồng thời kết hợp với những trò chơi, bài hát, điệu nhạc, những đoạn video về các sự vật, hiện tượng liên quan đến bài vẽ của trẻ cũng là một yếu tố kích thích trẻ hứng thú hơn trong các hoạt động học tập. Trong quá trình trẻ vẽ chúng ta không nên chê trẻ mà phải động viên, khen trẻ đúng lúc, kịp thời để trẻ có hứng thú mong muốn hoàn thành sản phẩm.

Bồi dưỡng khả năng sáng tạo cho trẻ

      Vẽ sẽ giúp não hoạt động để nhận thức, xác định màu sắc, hình dạng, vị trí không gian và có lợi cho sự phát triển trí tuệ, giúp trẻ thông minh hơn. Trong quá trình vẽ, trí tưởng tượng của trẻ sẽ tiếp tục phá vỡ những khuôn mầu cố định. Sau khi nhìn nhận được vẻ ngoài mới lạ của sự vật, trẻ sẽ tiếp tục có cảm hứng để sáng tạo nhiều hơn. Để phát huy khả năng sáng tạo trong các hoạt động vẽ cần tăng cường những nội dung miêu tả theo chủ đề, theo dự định sáng tạo riêng của trẻ, cho trẻ tự lựa chọn nội dung thể hiện những hiểu biết về thế giới xung quanh, từ hiểu biết và cảm xúc của mình.

Bồi dưỡng thị hiếu thẩm mĩ cho trẻ

      Khi trẻ vẽ, việc quan sát, tìm hiểu sự vật hiện tượng giúp trẻ nhận ra các đặc điểm thấm mĩ của đối tượng được miêu tả (hình dáng, màu sắc, cấu trúc, tỉ lệ, sự sắp xếp không gian…), là những yếu tố kích thích sự xuất hiện những xúc cảm thẩm mĩ giúp trẻ biết thưởng thức cái đẹp từ thiên nhiên. Khi vẽ cũng dẫn dắt trẻ đến với những hiện tượng sôi động của đời sống, giúp trẻ hình thành sự liên tưởng như: Màu đỏ gợi cho trẻ niềm vui, hào hứng phấn khởi liên tưởng đến màu cờ, màu vàng gợi cho trẻ liên tưởng tới cánh đồng lúa chín, màu xanh gợi liên tưởng tới đồng cỏ xanh mướt… Trẻ càng được tiếp cận nhiều với thế giới xung quanh một cách có ý thức bao nhiêu thì những tình cảm thẩm mĩ càng sâu sắc bấy nhiêu. Đối với hoạt động dạy vẽ, tác dụng thẩm mĩ phụ thuộc vào đối tượng miêu tả có đẹp không? có hấp dẫn không? để mang lại niềm vui, hứng khởi cho trẻ. Trên cơ sở đó, trẻ hứng thú và nhu cầu hoạt động với vẽ, muốn thể hiện những hình ảnh, màu sắc đó vảo trong tranh theo cảm nhận của mình.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *